Trong bối cảnh bức tranh kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng ảm đạm như hiện nay, đã đặt ra những khó khăn và thách thức đáng kể đến với tất cả các ngành nghề, báo động đến cả các UI/UX designers – được đánh giá là ngành nghề triển vọng nhất trong giới công nghệ thông tin trong 10 năm tới.
Theo khảo sát của Navigos Group, tình hình thị trường lao động năm 2023 vẫn còn nhiều thách thức. Những cú sốc và rủi ro toàn cầu như điều kiện tài chính toàn cầu bị thắt chặt; sức mua sụt giảm ở các thị trường xuất khẩu; xung đột chính trị; lạm phát; giá tăng…
Để đối phó với những thách thức trên, các giám đốc điều hành doanh nghiệp ở nhiều ngành khác nhau đã sa thải gần nửa triệu nhân viên trên toàn thế giới; đặc biệt là ngành công nghệ thông tin có tỉ lệ sa thải lớn nhất, chiếm gần 1/3 tổng số nhân viên bị sa thải.
Việc tuyển dụng liên tục chậm lại trên toàn thế giới và sự dịch chuyển nội bộ có xu hướng tăng lên ở một số ngành. Tại Việt Nam, tình hình lao động cũng gặp khó. Cụ thể, có tới 82,2% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ bị ảnh hưởng bởi biến động thị trường năm 2023, hơn 68% lựa chọn cắt giảm nhân sự. Đối với các doanh nghiệp, theo kết quả khảo sát, có tới 454/555 doanh nghiệp cho biết bị ảnh hưởng bởi biến động thị trường năm 2023, chiếm tỉ lệ 82,2%. Theo nguồn.
Như một hệ lụy theo sau sự sụt giảm của nền kinh tế, đợt cắt giảm lớn đối với Big Tech vào đầu năm nay của ngành công nghiệp công nghệ đã có sự giảm thiểu nhân sự đến gần 150,000 nhân viên chỉ trong 5 tháng, mang lại những lo ngại không thể tránh khỏi cho những người đang có ý định trở thành UI/UX designer về khả năng của họ để nhập cuộc vào ngành này. Dữ liệu cho thấy những đợt cắt giảm lớn nhất xảy ra trong lĩnh vực nhân sự và tuyển dụng (27.8%), tiếp theo là kỹ thuật (22%), theo sau đó là tiếp thị (7.1%), và dịch vụ khách hàng (4.6%).
Theo góc nhìn của những lao động đang tìm kiếm việc làm, thực tế chỉ ra ngành thiết kế có thể đã “quá mức bão hòa” khi mà sự cạnh tranh cho các vị trí thiết kế UX ngày càng trở nên khốc liệt. Một nhà thiết kế ở vị trí Senior đã chia sẻ trong một bài viết trên Medium gần đây, rằng anh ấy đã phải xem xét hơn 300 đơn đăng ký chỉ để tuyển dụng cho một vị trí thiết kế UX.
“Vẫn còn nhiều cơ hội cho các UI/UX designers, nhưng đây là một thời kỳ khó khăn hơn so với giai đoạn dịch COVID-19, trong bối cảnh các doanh nghiệp nghĩ rằng mọi người sẽ thay đổi thói quen sống trực tuyến của họ một cách vĩnh viễn sau thời gian bị cách ly”, Nick Groeneveld, một chuyên gia tư vấn UX Senior tại Capgemini và quản lý của công ty tư vấn UX cá nhân The Designer’s Toolbox, chia sẻ.
Bên cạnh đó từ dữ liệu của Cơ quan Thống kê Lao động Hoa Kỳ đã chứng minh, nhu cầu về UI/UX designer đang tăng. Dự kiến tỷ lệ việc làm cho Web Developers và Digital Designers- trong đó có cả UX designers – sẽ tăng 23% từ năm 2021-2031, nhanh hơn nhiều so với trung bình. Tuy nhiên, có vẻ những cơ hội cho người mới vào nghề đang giảm đi.
Trong thực tế thị trường lao động trở nên khó khăn như hiện nay, các công ty trở nên do dự trong việc tuyển dụng nhà thiết kế mới vào do cần thời gian và chi phí để đào tạo một nhân viên mới. Designer mới cần sự hướng dẫn từ những Designer ở cấp Senior- điều mà một công ty nhỏ có thể không đủ điều kiện. Hơn nữa, hầu hết những designer mới thiếu kinh nghiệm làm việc trên các dự án thực tế, khả năng làm việc nhóm với những designer khác và khả năng tuân thủ thời gian, ngân sách và các ràng buộc kỹ thuật – điều đó có nghĩa là họ cần thêm thời gian học và có thể cần đào tạo trong quá trình làm việc.
Khi sức mạnh đàm phán dần quay trở lại tay nhà tuyển dụng từ sau sự tăng trưởng lương lịch sử vào năm 2022, lao động mới đang tìm việc phải vượt qua một ngưỡng cao hơn, đối mặt với những yêu cầu cao hơn đến từ các doanh nghiệp. Theo: nguồn
Vì vậy, để trả lời cho câu hỏi “Làm sao để các UI/UX designer không chỉ sống sót mà còn phát triển trong thời kỳ biến động này?”, đó chính là “HỌC.” Điều này không chỉ áp dụng cho những người đang tìm việc mà còn đối với những người đang đi làm, bởi vì sự liên tục học hỏi và cập nhật bản thân là chìa khóa quan trọng.
Trong điều kiện thị trường lao động biến đổi như hiện nay, thì thời kỳ “học kiểu ăn xổi, làm vài dự án cá nhân, có việc làm luôn” đã trở nên quá cũ kỹ. Bây giờ, nhân sự trên thị trường lao động cần phải cạnh tranh mạnh mẽ về kiến thức, kinh nghiệm, thái độ làm việc, và giá trị mà họ mang lại cho công ty, tổ chức.
Chúng ta cần không ngừng cập nhật bản thân, không chỉ trong lĩnh vực chuyên môn mà còn về nhiều kỹ năng và phẩm chất khác. Thời kỳ hiện nay đặt ra một thách thức không chỉ về sự hiểu biết về công nghệ và thiết kế mà còn về khả năng linh hoạt, tư duy sáng tạo, và khả năng làm việc nhóm. Các UI/UX designer cần phải trở thành người đa nhiệm, tự quản lý học tập, và luôn sẵn sàng đổi mới để đáp ứng với những thách thức mới trong ngành công nghiệp ngày càng đòi hỏi sự chuyên nghiệp và sáng tạo.
UX/UI designer không chỉ đơn thuần phát triển về khả năng thiết kế, kỹ năng nghiên cứu người dùng,… Các designer có thể mở rộng năng lực trong các lĩnh vực liên quan như Graphics User Interface, Product Design hoặc Web Development. Đối với các vị trí trên, có thể trau dồi thêm cho mình các kiến thức chuyên môn khác, như ngôn ngữ lập trình,… hoặc tích lũy thêm kinh nghiệm ở mảng Interaction Design, Human Computer Interaction, Visual Design, khả năng sử dụng tốt phần mềm như Figma, Photoshop, Sketch, Illustrator, UXPin, QuartZ.
Bên cạnh đó, cũng phải trang bị thêm các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, kỹ năng quản lý thời gian, quản lý công việc, quản lý con người nếu roadmap của bạn chọn con đường làm quản lý, kỹ năng giao tiếp, ( Vì thực tế là các UI/UX designer thường xuyên gặp vấn đề khi giao tiếp với team DEV), kỹ năng thuyết trình,… và khả năng ngoại ngữ.
Để tiếp thêm hành trang cho các nhà thiết kế đã, đang và chuẩn bị “chiến đấu” trong nghề, có một số lời khuyên dành cho các UI/UX designer trong bối cảnh nền kinh tế như hiện nay, được chia theo 3 nhóm dựa trên góc nhìn chủ quan của tác giả như sau:
Nhóm 1: Nhóm người mới, chưa bước chân vào ngành.
Đối với nhóm người mới này, câu hỏi được đặt ra là: Có cơ hội nào cho người mới hay không? Câu trả lời là “Có”. Luôn có cơ hội, nhưng nhóm này cần phải suy nghĩ thật kỹ trước khi bước chân vào ngành.
Cần bỏ tư duy “ăn xổi”, nhóm trẻ này cần cố gắng và nỗ lực nhiều, cần xác định mình sẽ “bất lợi” hơn so với các nhân sự đã có kinh nghiệm. Nhưng hãy kiên trì, thật kiên trì, học hỏi từ nhiều nguồn, từ nhiều người có kinh nghiệm, có thể tự học hoặc học ở các trung tâm có uy tín, tìm mentor….Phải biết rằng, cơ hội luôn mở ra đối với những người biết kiên trì, chịu khó và cầu thị. Học hỏi và update bản thân khi thị trường lao động khó khăn, chính là xây dựng lợi thế cho bản thân mình. Khi thị trường suy thoái như hiện nay, ít người quan tâm đến thì bạn đầu tư vào kiến thức, khi suy thoái kết thúc thì chính mình đã có được lượng kiến thức kha khá, làm hành trang cho bản thân. Đó chính là “lợi thế” mà nhóm này cần phải tự xây dựng ngay từ bây giờ.
Nhóm 2: Đối với các designer đã có kiến thức nhất định nhưng chưa có việc làm.
Lời khuyên vẫn là HỌC, tích luỹ và update bản thân .Nhưng cách học lần này khác với Nhóm 1.
Để tìm được việc làm, nhóm designer này hãy rải CV liên tục và nhiều nơi, đừng vì bị từ chối hoặc không thấy phản hồi mà nản chí. Nhóm này nên học cách làm 1 CV chuyên nghiệp, học cách viết mail để được các HR đánh giá cao….Trong thời gian chờ đợi phản hồi, có thể tự xây dựng thật nhiều các dự án cá nhân để làm dày thêm portfolio của chính mình. Có thể tự làm freelancer, nhận các dự án để trang trải thêm cho cuộc sống và cũng góp phần làm dày profile của bản thân.
Đặc biệt, hãy trau dồi thêm về khả năng tiếng anh nếu thấy khả năng tiếng anh của mình còn yếu. Sau đó, có thể apply vào các vị trí UI/UX designers remote của các công ty nước ngoài, hoặc làm freelancer cho thị trường ngoại quốc. Có tiếng anh sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các bạn designer hơn trong thời buổi kinh tế phẳng này. Trên thực tế, có tiếng anh còn giúp các designer có thêm điểm cộng trong mắt các nhà tuyển dụng khi đi xin việc.
Một số các nền tảng tuyển dụng quốc tế có thể có ích với các bạn UI/UX designers: LinkedIn, Upwork, Fiverr, Indeed, 99designs, Toptal,…. Bên cạnh đó, nếu có nhu cầu làm việc trong môi trường nội địa, cũng có thể tìm kiếm công việc qua các trang web tuyển dụng của Việt Nam như TopCV, VietNamWork,.. hoặc các hội nhóm trên Facebook, Messenger,..
Nhóm 3: Đối với các bạn designers đã có việc làm.
Thành thật khuyên nhóm này không nên chủ quan mà cần tích cực update bản thân để không bị tụt hậu, bị thay thế. Phải biết rằng, khi khủng hoảng xảy ra, các doanh nghiệp sẽ ưu tiên cắt giảm những nhân sự có ít giá trị hơn, nên trau dồi giá trị bản thân mình liên tục là vấn đề tiên quyết.
Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, không có cái gì gọi là “Công ăn việc làm ổn định”. Đợt layoff vừa rồi là 1 ví dụ. Tính đến tháng quý 4 của năm 2022, đã có hơn 150,000 lao động thuộc các công ty công nghệ trên toàn thế giới bị sa thải. Chỉ riêng tháng 11/2022, số lao động bị cắt giảm đã tăng lên là 35,000 trường hợp. Riêng đối với đội ngũ phát triển sản phẩm, tỉ lệ cắt giảm nhân sự là 12%. Tất cả vị trí trong đội ngũ phát triển sản phẩm bao gồm UX/UI Designer, Product Manager, UX Writer, UX Researcher, Engineer bị ảnh hưởng ngang nhau.
Sinh viên mới ra trường, những nhân viên vị trí Junior ít năm kinh nghiệm, người lao động cần visa làm việc sẽ có nguy cơ cao hơn những người lâu năm kinh nghiệm. Tuy nhiên, nếu không nỗ lực nâng cấp trình độ chuyên môn, các nhân viên lâu năm vẫn có khả năng bị đào thải do thị trường công nghệ thay đổi rất nhanh, người lao động luôn cần cập nhật kiến thức mới. Theo nguồn
Như vậy, thực tế chứng minh bản thân mỗi chúng ta đều có thể bị layoff bất kỳ lúc nào, nên điều cần thiết là phải luôn tích cực tăng cường giá trị bản thân. Tự hoạch định một roadmap cá nhân hoặc có thể trao đổi trực tiếp với quản lý của mình. Hãy tìm hiểu xem ngoài công việc hiện tại, công ty cần thêm gì để phát triển, mình có thể làm thêm gì để có thể mang lại giá trị nhiều hơn cho tổ chức. Điều này không chỉ tốt cho công ty các bạn designer đang làm mà còn tốt cho chính bản thân các designer khi chúng ta có cơ hội học hỏi và trải nghiệm nhiều hơn. Một sự win-win rất đáng giá phải không?
Làm tốt công việc của mình nhưng không quên phát triển bản thân, và luôn luôn chuẩn bị cho mình một đường lui nhé. Các bạn designer có thể tiết kiệm 1 khoản tài chính cá nhân, chuẩn bị cho 2-3 tháng sinh hoạt mà không có lương. Phòng khi một ngày đẹp trời nào đó, dù có bị layoff thì bản thân vẫn có đủ tiền để trang trải trong lúc tìm công việc mới.
Nói tóm lại, hãy luôn luôn học hỏi và trau dồi bản thân dù mình là ai. Nhất là trong thời kỳ khó khăn này. Đừng từ bỏ, đừng nản chí, hãy kiên trì. Hãy nhớ rằng, khó khăn của người này là cơ hội của người khác. Người giỏi sẽ biết tận dụng khó khăn làm lợi thế cho bản thân. Hãy vừa work hard và work smart. Miễn là bản thân cố gắng không ngừng, tất cả các mục tiêu đều không quá xa vời.
Xin lưu ý, bài viết chỉ đưa ra góc nhìn chủ quan của tác giả về tình hình việc làm của UI/UX designers trong thời kỳ suy thoái. Bài viết mang tính chất tham khảo, người đọc cần tự cân nhắc để ra quyết định và tự chịu trách nhiệm về quyết định của bản thân cho chặng đường sự nghiệp của chính mình.